Thương binh biến ruộng trũng thành trang trại trù phú

10 THG08

Hơn chục năm về trước, khu vực chuyên canh nuôi trồng thủy sản tại thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) chỉ là đồng ruộng chiêm trũng. Một trong những người đầu tiên góp phần thay đổi diện mạo cho vùng đất này là thương binh Nguyễn Văn Phung. Hiện, trang trại của ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào khu chuyên canh nuôi trồng thủy sản thôn Xuân Lai, trang trại của thương binh Nguyễn Văn Phung nổi bật với màu xanh của cây ăn quả bao quanh khu hồ nuôi cá rộng hơn 1,2 ha. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trang trại, ông Phung tự hào: “Đây là 2 ao cá thương phẩm và 1 ao ương cá giống gối vụ các loại cá truyền thống như: Chép, trôi, trắm, rô phi… sản lượng 14 tấn/vụ. Ngoài ra, trang trại còn có 500m2 chuồng chăn nuôi hơn 3 nghìn con gà thịt, khuôn viên trồng nhiều loại cây ăn quả giá trị cao như: Bưởi da xanh, táo, mít Thái… Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, trang trại cho thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng”.

Thương binh Nguyễn Văn Phung chăm sóc đàn cá tại trang trại.

Nghỉ chân dưới bóng cây trước hồ cá, ông Phung kể về quãng thời gian cải tạo vùng đất trũng thành đất “vàng” giúp ông và nhiều hộ gia đình trong thôn vươn lên khá giả. Năm 1982, xuất ngũ trở về quê hương với vết thương chiến tranh trên đất bạn Campuchia, ông bắt tay ngay vào làm kinh tế theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”. Song quê hương Xuân Lai bấy giờ nhiều ruộng trũng, việc cấy lúa vất vả và cũng chỉ đủ ăn. Khi xã đưa ra chủ trương “dồn điền đổi thửa”, ông là người đầu tiên xin được góp sức cải tạo vùng đất trũng. “Những ngày đầu đường xá khó khăn, điện nước thiếu thốn đủ bề, cả khu đất rộng lớn chỉ có mình hai vợ chồng ngày đêm “lấy công làm lãi” thả cá, xây dựng lều tạm để nuôi gà. Kinh nghiệm không có, không ít lần vợ chồng tôi bần thần vì đàn cá bị chết hàng loạt. Nhiều người thấy vậy “gàn” tôi không có duyên nuôi cá. Tôi lại càng quyết tâm theo đuổi đến cùng vì người lính không cho phép khuất phục trước khó khăn”- ông Phung nhớ lại.

 

Đọc tài liệu về nuôi trồng thủy sản, trực tiếp đến học hỏi ở các trang trại khác, ông hiểu rằng muốn con cá sống khỏe tiêu chí hàng đầu là môi trường nước phải sạch. Nước dẫn vào ao cá từ mương của thôn tuy khá trong song có thể đã bị nhiễm khuẩn. Biết được nguyên nhân đó, ông mày mò tìm cách khử sạch nguồn nước. Trong một lần xem truyền hình, biết đến công nghệ sinh học “Nano bạc”, ông mạnh dạn áp dụng vào ao cá nhà mình. Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao hơn các cách làm truyền thống song công nghệ này cho hiệu quả vượt trội. Nguồn nước qua xử lý luôn ổn định, không có mùi hôi, cá sinh trưởng phát triển tốt, rất hiếm khi mắc bệnh. Đó là tiền đề để trang trại thắng nhiều vụ cá liên tiếp. Số tiền dư ra sau mỗi vụ thu hoạch, ông tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống dẫn nước, khu xử lý nước đầu vào, lắp đặt các thiết bị sục khí, máy đo chỉ tiêu môi trường…

Sau hơn 10 năm chăm chỉ lao động, trang trại của gia đình ông Phung đã trở thành kiểu mẫu cho các hộ xung quanh học tập. Để phát triển bền vững, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đồng thời tự tìm tòi nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. “Ông bà ta có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, nếu xét vào thời điểm hiện tại là không sai. Năm vừa qua, trong khi người chăn nuôi lợn lao đao vì dịch tả lợn châu phi, nuôi gia cầm thường xuyên dịch bệnh thì trang trại của tôi vẫn ổn định. Nhiều năm gắn bó với con cá, tôi nghiệm ra rằng nuôi cá khá chắc ăn. Chỉ cần chăm chỉ cùng với cái “tâm” với nghề thì thị trường luôn đón nhận. Thường là vụ nào cũng lãi, chỉ là ít hay nhiều”- ông Phung chia sẻ.

Dù đã có trong tay cơ ngơi khá giả nhưng thương binh Nguyễn Văn Phung vẫn luôn ấp ủ nhiều dự định mới. Theo ông, người tiêu dùng đang ngày càng trú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi hộ chăn nuôi phải thay đổi sản xuất theo hướng sạch. Hiện ông đang được Chi cục Thủy sản tỉnh hướng dẫn thực hiện nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Mọi bước trong quy trình đều đã được vận hành trơn tru. Dự kiến trong thời gian tới, cá tại trang trại của ông sẽ được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Đó tiếp tục là một “chiến công” mới của người thương binh trên mặt trận kinh tế giữa thời bình.

Hoài Phương - Báo Việt Linh

Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

28 THG02

Bí mật "siêu năng lực" thay răng của cá linh Thái Bình Dương

Khám phá bí ẩn về khả năng thay răng "chóng mặt" của cá linh Thái Bình Dương - loài cá sở hữu bộ hàm đáng sợ với 555 chiếc răng sắc nhọn.

28 THG02

Cách phân biệt tôm càng xanh và tôm càng sen nhanh chóng, chính xác!

Tôm càng xanh và tôm càng sen không chỉ là những món ăn ngon mà còn đóng vai trò quan trọng trong ngành nuôi tôm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt chúng một cách chi tiết và nhanh chóng, đồng thời chia sẻ cách chọn tôm tươi ngon để đảm bảo khẩu phần hải sản của bạn luôn hấp dẫn.

28 THG02

Nuôi vịt siêu nạc: Chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao - Giải pháp chăn nuôi bền vững

Mô hình chăn nuôi vịt Grimaud siêu nạc, bao gồm ưu điểm, hiệu quả kinh tế và mô hình HTX thành công tại xã Hoàng Tung, Cao Bằng.