Khủng hoảng thị trường thức ăn thủy sản châu Á

15 THG06

Năm 2020, các nhà máy thức ăn chăn nuôi phải chật vật hỗ trợ nông dân trước những biến động mạnh về giá và nhu cầu. Đầu năm 2021, không khí ảm đạm bao trùm thị trường thức ăn chăn nuôi cùng cơn bão giá nguyên liệu thức ăn tăng mạnh.

Đầu năm ngoái, ngành thức ăn thủy sản châu Á chìm sâu trong các đợt gián đoạn chuỗi cung ứng, logistics và hoạt động sản xuất. Giữa năm đó, chi phí vận tải tăng đã kéo theo áp lực lên chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô. Tình hình càng xấu hơn khi đến tháng 9/2020, giá 3 loại nguyên liệu thức ăn chính gồm: ngô, đậu tương và lúa mỳ đồng loạt tăng mạnh. Với nhiều nhà máy thức ăn, 2020 là một năm đen tối khi khó khăn chồng chất và dự kiến còn kéo dài đến năm 2021.

“Bóng đen” COVID-19

Suốt năm 2020, các đợt phong tỏa đã làm xáo trộn mọi hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi với mức độ nghiêm trọng tùy vào tình hình dịch bệnh ở từng quốc gia. Tại Ấn Độ, phong tỏa làm tê liệt hoạt động logistics, sản xuất, chế biến, thị trường và tiêu thụ, theo TS Arul Vitor Suresh, Giám đốc Công ty United Research (Singaore) Pte, Ltd. Giá thủy sản tại Andhra Pradesh rớt thảm hại, cùng đó dịch bệnh trên tôm liên tiếp xảy ra đã gây tổn thất lớn về sản lượng.

>> Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương (VITIC) cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi về Việt Nam quý I/2021 tăng mạnh. Cụ thể, quý I/2021 nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,21 tỷ USD, tăng trên 50% so quý I/2020, chiếm 1,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước. Đứng đầu là thị trường Argentina chiếm 32% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 388,16 triệu USD, tăng 11,2% so cùng kỳ. Tiếp đến là Mỹ chiếm tỷ trọng 22,7%, đạt trên 375,04 triệu USD, tăng mạnh 219,7%; thị trường Ấn Độ cũng tăng mạnh 466% so cùng kỳ năm 2020; đạt 131,99 triệu USD. Bên cạnh đó, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ EU quý I/2021 cũng tăng mạnh 105% so quý I/2020, đạt 110,56 triệu USD; nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 18,3%, đạt 84,48 triệu USD.

 

Một số Chính phủ như Ấn Độ và Việt Nam, đã hỗ trợ nhằm đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi suốt giai đoạn phong tỏa. Nhưng người nuôi cá khắp châu Á không có khả năng bán cá tươi sống, dẫn đến giá bán cổng trại luôn thấp. Nhu cầu tiêu thụ thức ăn cho cá nước ngọt cũng giảm mạnh ở Malaysia, theo Kea Kok Wei, trợ lý VP Star Feedmills. Qua nhiều đợt phong tỏa trên cả nước, nông dân tại đây tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn về đầu ra, khiến họ buộc phải giảm cho cá ăn.

Theo nhiều báo cáo, nhu cầu tiêu thụ thức ăn thủy sản năm 2020 không ổn định. Tổng sản lượng thức ăn thủy sản tại Trung Quốc đạt 20 triệu tấn, thấp hơn mức 22 triệu tấn của năm 2019; trong đó, sản lượng thức ăn cá rô phi đã giảm gần 1 triệu tấn từ mức 2 triệu tấn của năm 2019. Tại Việt Nam, thống kê chính thức cho thấy sản lượng thức ăn cá tra năm 2020 chỉ còn 1,6 triệu tấn, giảm từ mức 2 – 2,5 triệu tấn của năm 2019. Thức ăn cho cá nước ngọt cũng giảm 15% tại Indonesia.

Chi phí sản xuất tăng

Thông tin suốt Hội nghị GOAL vào tháng 10/2020 cho thấy, giá thức ăn thủy sản luôn là thách thức hàng đầu, sau dịch bệnh. Từ tháng 3/2020, thiếu container dẫn đến chi phí vận tải tăng cao hơn, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. Nhiều hãng nhà máy thức ăn tại châu Á cho biết, cước vận tải đã tăng 30 – 40% từ tháng 12/2020 – 3/2021 tùy vào cảng nhập khẩu. Thời gian chờ đợi xếp chỗ trên tàu cũng kéo dài lâu hơn 15 – 20 ngày, còn chi phí không ngừng tăng từng ngày.

Từ tháng 12/2020, giá các nguyên liệu thô gồm: ngô, đậu tương và lúa mỳ đều tăng. Tháng 9/2020, giá đậu tương bắt đầu tăng 61% từ 973 USD lên 1.569 USD/bushel. Giá ngô tăng 130%, còn giá lúa mỳ tăng 45% từ tháng 12/2020. Các sàn giao dịch hàng hóa nông sản ghi nhận giá ngô đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua còn giá đậu tương cao nhất kể từ tháng 6/2016.

Tại Đông Nam Á, giá các phụ phẩm cũng tăng cao như: DDGS tăng 14%, protein ngô đậm đặc tăng 20 – 30%, còn giá khô đậu (SBM) HiPro tăng 20%. Tại Ấn Độ, giá HiPro SBM 50-52% protein thô đã tăng lên 80 INR/kg (1,08 USD) từ mức 48 INR/kg (0,62 USD).

Ấn Độ là nước sản xuất đậu tương không biến đổi gen với giá bán cao hơn. Khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng lên, các nhà cung cấp SBM Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu trong tháng 10 – 12/2020, dẫn đến giá trong nước cũng tăng gần 50%, theo Narashima Rao, Uno Feed. Chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tạm thời, để tăng nguồn cung thức ăn cho chăn nuôi trong nước và đình chỉ giao dịch kỳ hạn mặt hàng đậu tương, nhằm kìm hãm tốc độ tăng trưởng thị trường. Tuy nhiên, do Chính phủ hạn chế nhập khẩu SBM, giá SBM nội địa đã tăng từ 40 INR/kg (0,54 USD) lên 79 INR/kg (1,07 USD) cách đây vài tháng, theo Kumaresan, Công ty Sheng Long India.

Giá thức ăn tăng cao đang gây nhiều khó khăn cho người nuôi thủy sản. Ảnh: CTV

Vượt bão giá

Qua nhiều năm, các nhà máy thức ăn tại châu Á đã thay thế một lượng lớn bột cá trong thức ăn tôm, cá và sự lựa chọn đầu tiên là SBM. Khi giá bột cá cá dao động 1.200 USD/tấn, tỷ lệ bổ sung bột cá trong thức ăn tôm 35% protein là 20%. Hiện nay, bột cá trong thức ăn tôm 35% protein đã giảm xuống 10 - 12% và phần còn lại là SBM.

Theo chuyên gia dinh dưỡng ở Thái Lan, với mức giá mới của SBM hiện nay, để duy trì tỷ lệ bổ sung tương tự trong thức ăn tôm đồng nghĩa chi phí thức ăn sẽ tăng 10%. Đại diện Công ty TNHH Uni-President Việt Nam cho rằng, trong khi các nguyên liệu thay thế bền vững tại Việt Nam bị hạn chế, thì Công ty tìm cách duy trì chất lượng thức ăn đảm bảo tỷ lệ FCR tốt nhất. Ông Chuang Jie Cheng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long nhận định, vẫn chưa có giải pháp cụ thể để vượt qua cơn bão giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vấn đề này có thể tạm thời được giải quyết bằng cách tăng giá bán, nhưng trong tương lai, nguyên liệu đạm thực vật rẻ hơn, sẽ được phát triển để thay thế SBM bằng phương pháp lên men hoặc thủy phân.

Tháng 5/2021, giá ngô tại Ấn Độ đã tăng từ 14 INR/kg (0,19 USD/kg) lên 17 INR/kg (0,23 USD/kg) và giá lúa mỳ tăng từ 20 INR/kg lên 22 INR/kg. Ấn Độ là nước sản xuất cám gạo lớn nhất và cám gạo tách dầu với giá 10 - 11 INR/kg. Ajay Baskar, chuyên gia dinh dưỡng tại IFBAgro Industries cho biết, do hạn chế nhập khẩu, nguồn cung phụ phẩm động vật bị tắc nghẽn, còn các loại được sản xuất trong nước như bột xương thịt và bột huyết gặp phải vấn đề chất lượng và kháng sinh nên tình hình chỉ có thể dược cải thiện nếu chính phủ cho phép nhập khẩu SBM. Các công ty tại Ấn Độ đã cố gắng thay thế SBM và ngô bằng cám gạo tách dầu, gạo vỡ và nhiều ngũ cốc giá rẻ khác. Hầu hết các công ty thức ăn Ấn Độ có thể chịu được chi phí tăng 10%, nếu quá con số này, họ buộc phải tăng giá thức ăn.

>> 2021 tiếp tục là một năm khó khăn với các hãng thức ăn thủy sản tại châu Á, khi chi phí thức ăn tăng 15 - 35%, dẫn đến giá thức ăn trên thị trường cũng tăng theo. Đáng nói, giá các sản phẩm thủy sản lại thấp, đặc biệt là cá nước ngọt, khiến triển vọng thị trường thức ăn chăn nuôi 2021 kém lạc quan.

 

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

28 THG02

Bí mật "siêu năng lực" thay răng của cá linh Thái Bình Dương

Khám phá bí ẩn về khả năng thay răng "chóng mặt" của cá linh Thái Bình Dương - loài cá sở hữu bộ hàm đáng sợ với 555 chiếc răng sắc nhọn.

28 THG02

Cách phân biệt tôm càng xanh và tôm càng sen nhanh chóng, chính xác!

Tôm càng xanh và tôm càng sen không chỉ là những món ăn ngon mà còn đóng vai trò quan trọng trong ngành nuôi tôm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt chúng một cách chi tiết và nhanh chóng, đồng thời chia sẻ cách chọn tôm tươi ngon để đảm bảo khẩu phần hải sản của bạn luôn hấp dẫn.

28 THG02

Nuôi vịt siêu nạc: Chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao - Giải pháp chăn nuôi bền vững

Mô hình chăn nuôi vịt Grimaud siêu nạc, bao gồm ưu điểm, hiệu quả kinh tế và mô hình HTX thành công tại xã Hoàng Tung, Cao Bằng.