"Mắt thấy tai nghe" mô hình nuôi cá thát lát, lăng nha trên hồ thủy điện

10 THG08

Sau thành công với cá thát lát, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi tiếp tục phát triển mô hình cá lăng nha thương phẩm trên hồ chứa nước thủy lợi Suối Loa, xã Ba Động, huyện Ba Tơ. Ảnh: Mạnh Hùng

    

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án khuyến nông quốc gia “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai thành công mô hình nuôi cá thát lát trong lồng bè và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xây dựng mô hình gắn với tiêu thụ

Tỉnh Quảng Ngãi có gần 2.600ha mặt nước của trên 80 hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện có khả năng nuôi trồng thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi tốt để triển khai và phát triển mạnh các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, suối nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Nhận thấy những điều kiện thuận lợi trên, cùng nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án khuyến nông quốc gia "Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên", trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển mô hình nuôi cá thát lát cườm trong lồng bè tại thôn Suối Loa, xã Ba Động, huyện Ba Tơ.

"Với quy mô 200m3 lồng, thả 10.000 con cá giống thát lát cườm (tương đương mật độ 50 con/m3 lồng nuôi) kích cỡ ≥8cm/con, sau 8 tháng triển khai, cá đạt trọng lượng bình quân hơn 600g/con, tỷ lệ sống đạt trên 75%. Với giá bán 90.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình cho lãi gần 120 triệu đồng" - đại diện Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cho biết.

Anh Trần Văn Thuận - cộng tác viên tham gia mô hình phấn khởi cho biết: "Tham gia mô hình, người nuôi cá được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trực tiếp trong suốt quá trình thực hiện mô hình nên cá sinh trưởng phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Sau khi kết thúc mô hình, tôi đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong lồng, nhất là kỹ thuật chọn cá giống và kỹ thuật phòng, trị bệnh cho cá".

Cũng theo anh Thuận: "Mô hình nuôi cá này khá hiệu quả, vì loài cá thát lát có giá trị kinh tế cao hơn một số loài cá khác, dễ tiêu thụ. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nuôi cá thát lát cườm và sẽ mở rộng thêm vài ô lồng nữa để tăng thu nhập cho gia đình".

Cá lăng nha giống được hỗ trợ cho nông dân thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”. Ảnh: Mạnh Hùng

 

Đây là dự án hiệu quả, vì thế để chuyển giao quy trình kỹ thuật đến với người dân, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá thát cườm thương phẩm trong lồng bè trên sông, hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 70 hộ dân sinh sống xung quanh vùng hồ chứa nước thủy lợi Suối Loa có nhu cầu học hỏi kỹ thuật nuôi cá lồng bè.

Khi mô hình cho thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức buổi tổng kết với sự tham gia của 40 hộ nông dân để bà con được "mắt thấy tai nghe" về hiệu quả của mô hình, cũng như tuyên truyền về kỹ thuật nuôi cá, từ đó có thể tham khảo, nhân rộng.

Tiếp tục phát triển mô hình mới

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, đây là mô hình nuôi thuỷ sản có sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ không hoàn lại một phần kinh phí thực hiện mô hình, phía doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào như cá giống, thức ăn, hóa chất phòng và trị bệnh, các vật tư thiết yếu trong nuôi cá lồng bè… và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, trên 80% sản phẩm của mô hình được bao tiêu với giá ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 15% so với các mô hình nuôi cá theo cách truyền thống.

Để tiếp nối thành công mô hình nuôi cá thát lát cườm lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện năm thứ 2 dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên", với mô hình nuôi cá lăng nha thương phẩm.

Tham gia mô hình có hộ ông Trương Ngọc Thành và hộ ông Võ Tấn Tám (ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây). Mô hình được thực hiện với quy mô 200m3 lồng (100m3 lồng/hộ), thả 4.000 con cá giống lăng nha (tương đương mật độ 20 con/m3 lồng), kích cỡ ≥15cm/con. Cá giống khi thả khỏe mạnh, không bị xây xát, bơi linh hoạt, không nhiễm bệnh và đã qua kiểm dịch, nguồn cá giống được cơ sở sản xuất giống cá nhân tạo tại tỉnh Quảng Nam cung cấp.

Đến nay, cá lăng nha trong mô hình đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện nguồn nước của hồ chứa nước thủy điện Đăk Đrinh, cá sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Mạnh Hùng-Đại Nghĩa Dân Việt

Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

28 THG02

Bí mật "siêu năng lực" thay răng của cá linh Thái Bình Dương

Khám phá bí ẩn về khả năng thay răng "chóng mặt" của cá linh Thái Bình Dương - loài cá sở hữu bộ hàm đáng sợ với 555 chiếc răng sắc nhọn.

28 THG02

Cách phân biệt tôm càng xanh và tôm càng sen nhanh chóng, chính xác!

Tôm càng xanh và tôm càng sen không chỉ là những món ăn ngon mà còn đóng vai trò quan trọng trong ngành nuôi tôm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt chúng một cách chi tiết và nhanh chóng, đồng thời chia sẻ cách chọn tôm tươi ngon để đảm bảo khẩu phần hải sản của bạn luôn hấp dẫn.

28 THG02

Nuôi vịt siêu nạc: Chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao - Giải pháp chăn nuôi bền vững

Mô hình chăn nuôi vịt Grimaud siêu nạc, bao gồm ưu điểm, hiệu quả kinh tế và mô hình HTX thành công tại xã Hoàng Tung, Cao Bằng.