Ứng phó hạn, mặn: Tầm nhìn cho tương lai

10 THG08

(Thủy sản Việt Nam) - 2020 tiếp tục ghi nhận là năm hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử. Vậy nhưng, hậu quả nó gây ra đã nhẹ hơn so với mùa hạn, mặn năm 2016. Để có thể ứng phó tốt hơn trong tương lai, các cấp ngành đang có nhiều chương trình, giải pháp thích hợp.

Theo Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 ảnh hưởng 10/13 tỉnh ĐBSCL; phạm vi ảnh hưởng với ranh 4 g/l là 1.688.600 ha chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so năm 2016 cao hơn 50.376 ha. Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, cây ăn trái và NTTS. Trong đó, tổng diện tích NTTS bị thiệt hại 8.715,5 ha, gồm nuôi cá truyền thống 1.234,5 ha, tôm nước lợ 4.811 ha, cá da trơn 136 ha, nhuyễn thế 201 ha, ngao 2.324 ha. Thiệt hại ở từng địa phương: Tỉnh Cà Mau 4.063 ha (tôm 4.062 ha), Tiền Giang 2.326 ha (ngao 2.324 ha), Bến Tre 1.377 ha (cá truyền thống 1.243 ha, cá da trơn 134 ha), Kiên Giang 749 ha nuôi tôm, Bạc Liêu 200 ha nhuyễn thể.

 

Địa phương chủ động

Điểm nổi bật trong việc ứng phó thiên tai hạn, mặn năm nay là các địa phương chủ động hợp tác. Tỉnh Tiền Giang để ngăn mặn trên sông Vàm Cỏ, đã chủ động phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập và các cống trên Quốc lộ 62, hạn chế thiệt hại cho 62.000 ha vùng dự án Bắc Đông của 2 tỉnh. Còn tỉnh Long An lắp đặt thêm 16 cửa cống ngăn mặn dọc tuyến Quốc lộ 62, đắp 32 đập tạm trên các kênh nội đồng, lắp đặt máy bơm và tổ chức bơm nước nhiều cấp chống hạn. Tỉnh An Giang phối hợp tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho nhiều diện tích ở An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Kiểm tra độ mặn của nước - Ảnh: Phan Thanh

Điểm nổi bật thứ hai ở các địa phương là bố trí nhiều điểm đo mặn trên các tuyến sông, kênh rạch và công trình đầu mối để giúp nông dân lấy nước NTTS và trồng cây thích hợp. Tỉnh Bến Tre bố trí gần 50 điểm đo mặn, tổ chức đo kiểm tra độ mặn trong nội đồng và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tỉnh Hậu Giang triển khai hoàn thành 10 trạm đo mặn tự động, số liệu cung cấp hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành. TP Cần Thơ thiết lập 2 trạm đo mặn cố định và 1 trạm đo mặn lưu động để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phù hợp.

Mùa hạn mặn năm nay, các cấp Trung ương chỉ đạo sớm và thường xuyên. Ngày 27/9/2019 tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo các địa phương ĐBSCL về phòng chống thiên tai, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020; ngày 25/10/2019, Bộ NN&PTNT có chỉ thị về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ĐBSCL. Từ đó, nhiều công trình kiểm soát mặn được đẩy nhanh tiến độ, kịp thời phát huy tác dụng.

Một số công trình do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư đã vượt kế hoạch từ 6 -13 tháng, như cống Âu thuyền Ninh Quới ở tỉnh Bạc Liêu; trạm bơm Xuân Hòa ở tỉnh Tiền Giang; các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm ở tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long; 18 cống kiểm soát mặn ở tỉnh Bến Tre. Các địa phương cũng dành nguồn vốn thích hợp và đẩy nhanh việc xây dựng công trình kiểm soát mặn. Tỉnh Cà Mau, sau đợt hạn, mặn 2015 - 2016 đến nay đã có 1.205 công trình được triển khai, trong đó mùa khô 2019 - 2020 có 173 công trình. Tỉnh Kiên Giang xây dựng hàng trăm cống, đập dọc bờ biển và hai bên các cửa sống lớn.

Nhờ sự hỗ trợ của các công trình kiểm soát mặn, việc chuyển đổi diện tích sản xuất để thích ứng với điều kiện mới của người dân đạt kết quả khả quan. Trong đó có 50.000 ha đất lúa trước nguy cơ hạn mặn cao đã chuyển sang NTTS 1.200 ha, trồng rau màu 45.300 ha, cây ăn quả lâu năm 3.450 ha. Ngoài ra, còn có xấp xỉ 100.000 ha đất lúa chủ động cắt vụ, giãn vụ.

 

Bài học kinh nghiệm

Nhiều bài học kinh nghiệm cho tương lai ứng phó biến đổi khí hậu đã được rút ra qua mùa hạn, mặn lịch sử; trong đó, công tác dự báo của cơ quan chuyên môn, việc đo độ mặn ở các địa phương và người dân đã được nêu lên.

Bộ NN&PTNT cùng nhiều địa phương thống nhất tầm nhìn tương lai cần có giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong giải pháp ngắn hạn, đối với NTTS, cần xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng, để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi để có các giải pháp ứng phó kịp thời; có kế hoạch thả giống phù hợp, không thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay nước thường xuyên; hạn chế cho ăn khi độ mặn tăng. Chủ động thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt cỡ thương phẩm trước khi xâm nhập mặn xảy ra. Về giải pháp dài hạn, ĐBSCL cần được quy hoạch thành 3 vùng để đầu tư các công trình và bố trí cây trồng, vật nuôi thích hợp: Vùng ven biển, vùng giữa và vùng thượng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn; giải pháp này cần phải nghiên cứu, triển khai áp dụng cho ĐBSCL và các khu vực trên cả nước.

Nguồn: Sáu Nghệ - Thủy Sản Việt Nam

Ý kiến bạn đọc

Các tin khác

28 THG02

Bí mật "siêu năng lực" thay răng của cá linh Thái Bình Dương

Khám phá bí ẩn về khả năng thay răng "chóng mặt" của cá linh Thái Bình Dương - loài cá sở hữu bộ hàm đáng sợ với 555 chiếc răng sắc nhọn.

28 THG02

Cách phân biệt tôm càng xanh và tôm càng sen nhanh chóng, chính xác!

Tôm càng xanh và tôm càng sen không chỉ là những món ăn ngon mà còn đóng vai trò quan trọng trong ngành nuôi tôm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt chúng một cách chi tiết và nhanh chóng, đồng thời chia sẻ cách chọn tôm tươi ngon để đảm bảo khẩu phần hải sản của bạn luôn hấp dẫn.

28 THG02

Nuôi vịt siêu nạc: Chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao - Giải pháp chăn nuôi bền vững

Mô hình chăn nuôi vịt Grimaud siêu nạc, bao gồm ưu điểm, hiệu quả kinh tế và mô hình HTX thành công tại xã Hoàng Tung, Cao Bằng.